2 nhiệm kỳ đau đáu về chất lượng nguồn nhân lực với Bộ trưởng LĐ - TB&XH

Thứ sáu - 16/02/2024 03:33
 Rất nhiều con số, không ít những trăn trở, cảm thán bật ra trong cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với phóng viên báo Dân trí trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024.
3a12d9ac 2d6d 41c0 b01f c586a8518e0b

Rất nhiều con số, không ít những trăn trở, cảm thán bật ra trong cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với phóng viên báo Dân trí trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, khi ông nói về những thành quả cũng như hạn chế của ngành và cả những dự định, ấp ủ của mình…
 
ẢNH 2

Năm 2023 khép lại, hẳn là Bộ trưởng đã có thể thở phào khi ngành lao động, thương binh và xã hội đạt và vượt ở tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong một năm sóng gió, thử thách vượt mức dự báo, như lãnh đạo Chính phủ đánh giá, là Bộ được giao quản lý một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, Bộ LĐ-TB&XH tạo nên điểm sáng đáng ghi nhận. Bộ trưởng hài lòng nhất với nhiệm vụ nào?

- Phải nói mừng nhất là thị trường lao động cơ bản ổn định và đảm bảo, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm mạnh trong các tháng cuối năm 2023. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm, tôi lo lắm, vì số lao động bị mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng lên tới hơn 500.000 người, trong đó khoảng 270.000 người mất việc.

Đến hết quý III, cả nước ghi nhận còn 118.400 lao động mất việc, số lao động nghỉ giãn việc cũng giảm 187.000 người. Đến nay, tính chung cả năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được kìm giữ tốt, mức thất nghiệp cao nhất ở khu vực thành thị khoảng 2,76%, như vậy là đạt mục tiêu đề ra.
 
ANH 3

Kết quả ấy đến từ nỗ lực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường lao động và các giải pháp, chương trình, đề án về lao động - việc làm. Bộ cùng các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, được tăng cường. Các địa phương và các trung tâm dịch vụ việc làm thúc đẩy mạnh mẽ các cách thức hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Lần đầu tiên chúng tôi triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; tăng cường hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2023, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt mốc 155.000 người, vượt 129% so với kế hoạch năm 2023. Đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.
 
ẢNH 4

Những con số quả là ấn tượng, thưa Bộ trưởng. Điều đó cho thấy thị trường lao động đã có những cải thiện, bền vững và thích ứng linh hoạt sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ. Trên chặng đường dài hơi đó, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề được nhắc tới không chỉ trong một năm nhiều biến động vừa qua mà còn là nhiệm vụ đầy thách thức với Bộ trưởng cho nhiệm kỳ này?

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quả thật luôn là nhiệm vụ không đơn giản. Thực tế, nguồn nhân lực đã được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược với Việt Nam. Cùng với hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Những năm qua, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực được Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm. Công tác này vừa qua đã có nhiều tiến bộ, chất lượng nhân lực có cải thiện đáng kể nhưng còn chưa bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng thị trường lao động cả về cơ cấu, quy mô, khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau đạt gần 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện chỉ khoảng 27-27,5%, còn thấp so với các nước phát triển. Quan trọng hơn là cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động kỹ năng thấp hơn nên cần điều chỉnh trong thời gian tới.

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, chúng tôi thực sự trăn trở trước câu hỏi của nhiều nhà đầu tư khi đến Việt Nam là "nguồn nhân lực đáp ứng được không?". Các nhà đầu tư lớn đều chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành nghề ưu tiên, mà gần đây Việt Nam đang rất thiếu hụt. Như ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang cần 50.000 nhân lực mỗi năm để có thể trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Hay thị trường carbon, Việt Nam rõ ràng có lợi thế lớn để đón đầu nhưng nếu không chuẩn bị kịp nguồn nhân lực (150.000 người được cấp chứng chỉ, tín chỉ hành nghề carbon quốc tế mỗi năm) là đối mặt ngay nguy cơ tụt hậu…

Mục tiêu đề ra tới đây là tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm phát triển kỹ năng lao động Việt, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
ANH 5

Chất lượng nguồn nhân lực gắn liền với vấn đề năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, như Bộ trưởng nói. Vậy làm sao trả lời câu hỏi, sao tăng năng suất lao động vẫn mãi là chỉ tiêu không đạt được qua các năm, đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?

- Thì các bạn cũng thấy rồi, các công việc, lĩnh vực xã hội của ngành có lúc nào không "nóng" đâu (cười).

Đúng là chỉ tiêu tăng năng suất lao động 2-3 nhiệm kỳ qua đều không đạt và Việt Nam gặp nhiều khó khăn về việc cải thiện chỉ số này. Bộ không được phân công chuyên trách lĩnh vực này, tuy nhiên dưới góc độ quản trị nhân lực tôi cho rằng có 4 vấn đề cần quan tâm để nâng cao năng suất lao động là quản lý nhà nước, đổi mới công nghệ, vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi vẫn kiên trì đi theo hướng phát triển lực lượng lao động chất lượng cao qua đào tạo để có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và được chấp nhận đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ thành tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2026 và trong từng năm. Nếu mỗi năm phấn đấu đẩy tỷ lệ này tăng bình quân 4% thì hết nhiệm kỳ này, chúng ta có được thị trường lao động với tỷ lệ "hợp chuẩn", đạt 40-45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển. Thực tế, so với đầu nhiệm kỳ, đến nay con số này cũng đã có cải thiện, tiến dần về mốc 30%.

Chuyến đi Nhật Bản, đi Hàn Quốc trong tháng cuối cùng của năm 2023 vừa qua, chúng tôi rất mừng vì các thị trường lao động khó tính, đòi hỏi cao này đều có đánh giá, phản hồi tốt về sự thay đổi chất lượng nhân lực đến từ Việt Nam. Ở Nhật, các thực tập sinh, lao động kỹ năng, điều dưỡng viên và hộ lý phái cử của Việt Nam đứng đầu trong các kỳ thi năng lực, thi chuyển giai đoạn. Ở Hàn, lao động kỹ thuật đi theo diện visa E7 đang tăng mạnh số lượng, được những tập đoàn hàng đầu như Hyundai ghi nhận, chào đón… Đó cũng là lực lượng chúng tôi kỳ vọng "đi làm thuê để về làm chủ". "Làm chủ" ở đây nên hiểu là, không phải ai đi về cũng làm ông chủ, tất nhiên nếu được thế thì rất tốt mà còn là đi học hỏi, làm chủ những kiến thức, kỹ năng, công nghệ, tác phong làm việc hiện đại, khoa học… về để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.

Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt để phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nòng cốt chúng tôi lấy từ hệ thống giáo dục đại học, đào tạo nghề chất lượng cao.
 
ANH 6
 
ANH 8

Nói đến đào tạo nghề chất lượng cao, ông từng chia sẻ, 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, năm nào cũng nhận chất vấn về vấn đề này. Thực tế, tính riêng năm 2023, cả 2 kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng đều đăng đàn trả lời chất vấn và các đại biểu vẫn dành không ít câu hỏi cho lĩnh vực dạy nghề?

- Trả lời chất vấn Quốc hội, tôi đều khẳng định lĩnh vực này vừa qua có nhiều chuyển biến. Đơn cử, 2011, chúng ta mới chỉ có 14% lao động có chứng chỉ, nay tỷ lệ này đã tăng gấp đôi rồi. Tiến bộ rõ rệt đấy chứ.

Nói vậy nhưng cũng vẫn phải thừa nhận chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Chất vấn tại nghị trường cho thấy cử tri, người dân rất quan tâm, Quốc hội rất chú trọng vấn đề này và xã hội đòi hỏi chúng tôi rất cao.

Sự thực, đào tạo nguồn nhân lực là việc hết sức khó khăn đối với mọi quốc gia, đào tạo nghề lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi không gian, chuyển đổi xã hội việc đòi hỏi thay đổi căn bản chất lượng giáo dục nghề nghiệp, càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Chúng tôi đặt mục tiêu các trường nghề phải đào tạo được nhân lực có trình độ khu vực và quốc tế, dạy nghề không chỉ giải quyết vấn đề thất nghiệp mà còn góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm mới. Rồi việc dạy và học phải gắn với doanh nghiệp theo mô hình "đào tạo kép", coi đó là khâu đột phá quan trọng. Làm sao phải biến mỗi doanh nghiệp thành một trường đào tạo nghề thực tế mới có thể thành công.
 
ANH 9

Trở lại với những khó khăn hiện hữu, là thách thức với năm 2024 này, thưa Bộ trưởng, nói về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì chính sách chăm lo đời sống để cải thiện cả sức lực, trí lực rất quan trọng với người lao động vì phần lớn công nhân lao động Việt Nam còn nghèo. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, trong năm vừa qua, Bộ trưởng đã thốt lên "Ăn cơm công nhân mới hiểu sao người lao động buộc phải về quê". Bộ trưởng đã trải nghiệm những bữa cơm công nhân thế nào?

- Tôi trao đổi với các đại biểu Quốc hội như vậy khi đọc báo cáo về tình hình lao động, sản xuất trong lĩnh vực dệt may, giày da ở thời điểm căng nhất trong làn sóng cắt giảm đơn hàng, lao động năm qua, tập trung vào những ngành sử dụng số lượng lớn nhân công. Trước đó, tôi được Thủ tướng phân công đi kiểm tra tình hình ở một số địa phương là trọng điểm công nghiệp, những "tỉnh công nhân".

Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, có nhiều doanh nghiệp tới 80% các bộ phận là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về quê khi dịch Covid-19 bùng phát, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Cuộc sống khó khăn, không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về.

Nói thế để thấy, muốn làm gì thì trước hết cũng phải tập trung chăm lo an sinh, đời sống văn hóa, nơi ở, cái ăn, chỗ học cho con trẻ… với người lao động nói riêng, người dân nói chung.
 
ANH 10

Vậy bữa cơm công nhân Bộ trưởng đã ăn thế nào?

- Đi công tác, chúng tôi ăn cơm cùng công nhân nhiều chứ, không phải ít đâu, cũng không có gì xa lạ. Nhìn chung các đơn vị sử dụng nhiều lao động đều đã chú tâm, đầu tư cho suất ăn để người lao động có sức làm việc. Cơ cấu suất ăn thường ở mức 20.000-25.000 đồng, tương đương cơm nhà ăn ở Bộ chúng tôi, đủ rau, thịt, cá, đậu, thêm cả hộp sữa nữa, đảm bảo dinh dưỡng. Nhiều doanh nghiệp chăm lo bữa ăn ca rất tốt.

Nhưng mong muốn của chúng ta là người lao động không chỉ là ăn no mà phải được ăn ngon, phải được chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần. Tôi biết nhiều lao động khó khăn, sinh hoạt còn tằn tiện, bữa cơm ở ký túc xá, ở phòng trọ, là những lúc chúng ta ít thấy, ít chứng kiến được, cũng còn đạm bạc, qua loa lắm.

Đó là điều chúng ta phải trăn trở, như tôi nói, để đầu tư, xây dựng được hệ thống an sinh bao phủ, bền vững, nâng đỡ từng cá nhân.
 
ANH 10

An sinh xã hội cũng được đánh giá là điểm sáng của ngành không chỉ trong năm 2023 mà đã thể hiện tích cực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh có những biến cố nặng nề như Covid-19. Định hướng của Bộ với công tác này, thưa Bộ trưởng?

Chính sách an sinh của chúng ta hiện đã phủ rộng tới mọi đối tượng. Năm 2023, tất cả các chỉ tiêu về an sinh xã hội được hoàn thành với mức vượt mong đợi. Bao quát hơn, chưa bao giờ công tác an sinh xã hội được thực hiện với quy mô rộng khắp như giai đoạn qua. Chỉ trong 2 năm Covid-19, từ các chính sách đề xuất, 120.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp tới gần 68 triệu người lao động, 1,4 triệu người sử dụng lao động đã được thực hiện.

Khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả chăm lo an sinh xã hội đạt được rất lớn, để không người dân nào bị bỏ qua, bị để lại phía sau. Việt Nam trở thành một điểm sáng về chính sách an sinh, được quốc tế ghi nhận.

Và thực tế, thời gian qua, việc xây dựng các chính sách an sinh nói riêng, chính sách xã hội nói chung chính là dấu ấn và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Những năm trước đây, việc lo an sinh xã hội do nhà nước gánh. Tới nay, bước chuyển căn bản là thực hiện hệ thống chính sách xã hội, một số công tác, hoạt động nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách.

Chính sách xã hội đã từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng số người được thụ hưởng thành quả phát triển chung.
 
ANH 11

Trong năm qua, Bộ LĐ-TB&XH còn tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023). Nghị quyết thể hiện tinh thần nâng cao chất lượng chế độ phúc lợi xã hội như Bộ trưởng đề cập?

Đúng vậy. Thực tế, tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương gần đây, chúng tôi đã nêu vấn đề chuyển dần việc dùng từ đảm bảo "an sinh xã hội" sang thành thực hiện chế độ "phúc lợi xã hội", chính sách xã hội để phán ảnh đúng nội hàm vấn đề.

Nghị quyết số 42 do Trung ương ban hành là dấu ấn, là bước chuyển căn bản chủ trương mới của Đảng về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đề ra mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn 2045 phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh đóng góp cho phát triển xã hội hài hòa; người dân được đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, có thu nhập cao và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nghị quyết mới chuyển đổi cách tiếp cận, từ "ổn định và đảm bảo" sang "đảm bảo và phát triển", từ đảm bảo an sinh xã hội sang thực hiện chế độ phúc lợi xã hội và chính sách xã hội.

Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững. Nghị quyết cũng xác định 3 vấn đề đột phá, đều liên quan trực tiếp đến người lao động.

Trước hết là mục tiêu hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa một thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập.

Thứ hai là xây dựng sàn an sinh đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục rủi ro, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội để mọi người lao động lo được cuộc sống cho chính mình và gia đình.

Thứ ba là vấn đề nhà ở xã hội, đến 2030 xóa triệt để nhà dột nát cho người dân, tập trung đến năm 2025 hoàn thành ở 74 huyện nghèo nhất nước. Xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho công nhân, người lao động. Trong đó, riêng năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành được 130.000 nhà ở xã hội, 38.000 nhà ở hộ nghèo.
 
ANH 12

Bộ trưởng nhắc nhiều tới việc để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của phát triển. Đây là nguyên lý xuyên suốt trong việc hoạch định chính sách của ông, trong nhiệm kỳ thứ hai đảm nhận nhiệm vụ lo an sinh xã hội?

- Tôi nghĩ và hành động nhất quán theo tinh thần "3 chữ An" tự đề ra cho ngành mình là "An sinh", "An toàn", "An dân". Đây là kim chỉ nam cho mọi quyết sách chúng tôi đề xuất, xây dựng.

Để người dân thực sự là chủ thể, là người thụ thưởng, là trung tâm của chính sách cần xây dựng được hệ thống an sinh đa dạng, đa tầng, bao trùm toàn diện và bền vững, từ đó nâng cao chế độ phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng tốt cho tất cả mọi người.

Trong quá trình tham mưu, đề xuất để ban hành Nghị quyết 42, Ban chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, xây dựng chính sách quốc gia, phòng ngừa già hóa dân số. Điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế đi đôi với phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng còn rất ngắn của nước ta.

Bên cạnh đó là phát triển toàn diện dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp; phát triển đa dạng các mô hình chăm sóc và trợ giúp xã hội ngoài công lập và hợp tác công tư; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, hiện đại hóa và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng năm mới thắng lợi mới!

Nội dung: Thái Anh

Thiết kế: Thủy Tiên

Tác giả: phòng VL

Nguồn tin:       Theo báo Dân trí 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sở lao động TB và XH Hà Tĩnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh
Địa chỉ: 156 - Trần Phú - TP. Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
ĐT: 02393.851.295 - 02393.853.505 -
02393.734.789
Email: sanvieclamhatinh@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây