https://vieclamhatinh.vn


Xuất khẩu lao động tự phát sang Thái Lan: Lợi bất cập hại!

Sang Thái Lan lao động “chui” đang trở thành “trào lưu” trong những năm gần đây tại một số địa phương trong tỉnh . Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích mà đồng bath Thái mang lại là những hệ lụy mà người lao động có thể gặp phải khi chọn cách mưu sinh theo con đường này.
Xuất khẩu lao động tự phát sang Thái Lan: Lợi bất cập hại!
 

Đâu là nguyên nhân?

Kiếm việc làm tại Thái Lan đang là một xu hướng thu hút rất nhiều lao động phổ thông nông thôn. Hai xóm Sông Tiến và Sông Hải thuộc xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cũng không ngoại lệ khi thời gian gần đây được biết đến với cái tên “làng đi Thái”. Theo số liệu thống kê của UBND xã Thạch Sơn, trong tổng số 171 hộ của xóm Sông Hải có đến 120 lao động đi làm việc tại Thái Lan; xóm Sông Tiến cũng có đến 109 lao động/130 hộ.

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng thôn Sông Hải cho biết, hầu hết người dân trong thôn nếu có điều kiện về sức khỏe đều chọn hướng sang Thái Lan để kiếm sống và đây chính là lựa chọn mà theo họ là có thể làm giàu trong điều kiện có thể.

Xuất khẩu lao động tự phát sang Thái Lan: Lợi bất cập hại!
Một trong những ngôi nhà cao tầng ở xã Thạch Sơn được xây dựng từ nguồn tiền xuất khẩu lao động tại Thái Lan.

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà 3 tầng đang xây dựng của cặp vợ chồng tỷ phú Toàn – Hà, ông Hồng kể: “Trước đây, không ai dám mơ trong làng có được ngôi nhà đẹp như thế này, nhưng giờ đây, có đến gần 20 ngôi nhà khang trang, bề thế được cất lên bởi kết quả của những ngày lao động trên đất Thái”. Anh Nguyễn Xuân T. ( 25 tuổi, xóm Sông Tiến) – một lao động vừa trở về từ Thái Lan cho biết: “Người ta có thể kiếm được đủ nghề phụ ở Thái Lan như: rửa chén bát, giữ xe, phụ hồ, phục vụ nhà hàng, thợ may… Lao động phải bươn chải nơi đất khách quê người, tiếng tăm hạn chế, phần nữa có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nhưng họ vẫn gắng bám trụ vì về nhà có nằm mơ cũng không kiếm được đâu ra từ 7 - 10 triệu đồng/người/ tháng”.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà cao tầng tại các xã nghèo như Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) hay tại Mỹ Lộc (Can Lộc). Điểm chung của những ngôi nhà này chính là việc gia chủ thường xuyên đi vắng. Vợ chồng anh Bình, chị Quế (xóm 6, xã Cẩm Thạch) gửi lại 3 đứa con thơ cho ông bà nội từ hơn 10 năm nay để sang Thái kiếm kế sinh nhai. Chồng làm thuê cho một xưởng may, vợ phục vụ tại một quán ăn, 2 vợ chồng dành dụm được khoảng 25 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Chắt (xóm 6, xã Cẩm Thạch) cho biết, ở cái xã này có hàng chục người đi Thái như vậy.

Toàn xã Mỹ Lộc hiện có khoảng 500 lao động nữ đang làm việc tại Thái Lan. Hầu hết số này đều sang Thái theo hộ chiếu du lịch rồi ở lại làm việc trái phép. Chị Hoàng Thị Tân -Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Lộc chia sẻ: Riêng một số xóm như Nhật Tân, hơn 360 hộ thì có tới 312 lao động đi Thái; xóm Đại Đồng hơn 200 hộ nhưng có 227 người đi, xóm Trại Tiểu cũng có tới 165 người”.

Đại bộ phận lao động các xã nói trên chọn Thái Lan là điểm đến (trong khi nước này chưa chính thức tuyển dụng lao động Việt Nam) là bởi dễ đi, tốn ít kinh phí. Theo bà Nguyễn Thị M. (xóm Sông Tiến, có 2 con đi Thái Lan), mỗi lao động chỉ cần 2-3 triệu đồng cho “cò” là có thể “xuất ngoại” và sau 1 ngày đường là có thể nuôi ước vọng làm giàu trên xứ bạn. Trong khi cùng thời điểm, nếu muốn đi các nước khác như: Malaysia, Angola… người lao động phải bỏ ra một khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng.

Lợi bất cập hại

Theo con số thống kê của ngành LĐ-TB&XH, hiện có gần 10 nghìn lao động Hà Tĩnh đang làm việc “chui” tại Thái Lan với đủ ngành nghề, tập trung ở các huyện như: Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), Cẩm Xuyên (1.000)… Số lao động nàỵ chủ yếu sang đất Thái bằng hộ chiếu du lịch với thời hạn 1,5 tháng.

Xuất khẩu lao động tự phát sang Thái Lan: Lợi bất cập hại!
Việt Nam và Thái Lan vẫn chưa ký kết hiệp định về xuất khẩu lao động nên phần lớn lao động sang Thái Lan đều đi bằng hộ chiếu du lịch. Ảnh chỉ có tính minh họa (nguồn: Internet)

Nhiều người cho rằng, đi Thái Lan là một lựa chọn sáng suốt để làm giàu. Nhưng để có những đồng “bạt” (tiền Thái Lan) gửi về quê, những lao động trái phép ở Thái Lan đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với cạm bẫy, những ẩn họa khó lường nơi đất khách. Chấp nhận đi làm việc “chui” ở Thái Lan là chấp nhận đánh cược cuộc đời cho số phận. May mắn tìm được việc tốt, suôn sẻ, không có bất trắc xảy ra, còn không may lại gặp biến cố trong lao động và khi đó không ai chịu trách nhiệm về những hình thức bảo hiểm lao động thông thường.

Một lao động nữ từng làm việc trên đất Thái cho biết: “Sang Thái, chúng tôi chủ yếu rửa bát, giúp việc... Quần quật từ sáng đến tối nhưng mỗi tháng cũng chỉ tích cóp được 7 - 10 triệu đồng. Chỗ ăn ở thì cực khổ hết nói, chưa kể nhiều lúc phải trốn chui, trốn lủi trước lực lượng chức năng khi hộ chiếu hết thời hạn. Bị bóc lột sức lao động, bị bắt bớ, trục xuất bất kể lúc nào, thậm chí cả việc bị lạm dụng tình dục”…

Người dân xã Thạch Sơn vẫn thường nhắc đến câu chuyện của anh Nguyễn Hữu A. (xóm Sông Hải) bị tai nạn khi đang làm việc tại Thái Lan, cụt mất 1 chân; anh Nguyễn Công T. (xóm Sông Tiến) bị thương vùng đầu đã qua 3 lần phẫu thuật như là một bài học đắt giá khi sang Thái làm lao động “chui”. Đáng buồn nhất chính là cái chết của anh Nguyễn Văn T. (xã Khánh Lộc - Can Lộc) vào giữa năm 2012. Hay vụ tai nạn kinh hoàng tại Rayong làm anh Nguyễn Xuân Quốc (xã Trường Lộc), anh Phan Công Dũng (Kỳ Anh) tử nạn và 12 người khác bị thương nặng…

Chị Hoàng Thị Tân - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Lộc cho biết: “Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, lô đề, trai gái, gây gổ xích mích... trên địa bàn ngày càng nhiều, phá vỡ không khí yên bình của làng quê. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, số cặp vợ chồng ly hôn ở địa phương tăng nhiều hơn”.

Không thể phủ nhận, bức tranh cuộc sống của những làng quê hôm nay đã thay đổi nhờ những chuyến xuất ngoại. Nhưng, trên bức tranh ấy vẫn nhuốm vẻ u buồn bởi những rủi ro rình rập từ việc XKLĐ tự phát, sự xâm nhập của tệ nạn xã hội, sự lạnh lẽo trong những ngôi nhà thiếu vắng bàn tay của những người xây tổ ẩm.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh:

Trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền cho người lao động biết rằng, hiện nay, giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn chưa ký kết hiệp định về xuất khẩu lao động. Phần lớn lao động sang Thái Lan đều đi bằng hộ chiếu du lịch, sau đó cư trú bất hợp pháp. Thế nên, số lao động này sẽ không được pháp luật, doanh nghiệp sở tại bảo vệ.

Các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân đưa lao động sang Thái Lan làm việc trái phép. Trong trường hợp người lao động đã sang Thái Lan làm việc, nếu không may gặp phải những khó khăn về mặt pháp lý, an toàn về tính mạng và tài sản, người lao động có thể trực tiếp phản ánh với Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, các lãnh sứ quán hoặc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Thái Lan để được tư vấn và đảm bảo tính mạng và tài sản.

Thái Lan là thị trường lao động phù hợp với lao động vùng nông thôn với nhiều ngành nghề đơn giản, chi phí thấp, cung đường thuận tiện... Bởi vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán về hiệp định đưa người Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.

Thành Chung - Diệp Anh


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây