dangtintuyendung
dangkytimviec

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án 06

Thứ hai - 29/05/2023 23:31
Chỉ thị này được quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Hà Tĩnh và phổ biến trong Nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án 06
      Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 29/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
106d2092546t30089l0
ĐVTN xã Hương Liên (Hương Khê) và Công an xã phối hợp tuyên truyền cài đặt định danh điện tử cho người dân.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, việc triển khai thực hiện “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; chỉ đạo kịp thời của Tổ Công tác Đề án 06 các cấp; phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương, bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng...

Sau hơn 2 năm vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Hà Tĩnh đã trở thành địa phương thứ 2 của cả nước hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn.

Tuy vậy, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng trong triển khai Đề án của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin. Dữ liệu chuyên ngành chưa đầy đủ, còn phân tán. Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu; trình độ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ tập trung về số lượng, chưa thực sự quan tâm về chất lượng; số lượng tài khoản định danh điện tử được kích hoạt và tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng dịch vụ công còn thấp.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do cấp ủy, người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06, chưa gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, sâu sát, thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; một số bộ phận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ Đề án chưa thực sự trách nhiệm trong công việc được giao. Trang thiết bị phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạ tầng, nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu. Khả năng, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của đại bộ phận người dân còn hạn chế; điều kiện về nguồn lực thiết bị số trong Nhân dân (điện thoại thông minh, máy tính nối mạng...) để góp phần triển khai các nhiệm vụ của Đề án và thực hiện các tiện ích còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ liên quan.

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 26/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên trong toàn tỉnh tiên phong, gương mẫu tham gia thực hiện các nhiệm vụ và tuyên truyền, hướng dẫn người thân, gia đình và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Quán triệt tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhất là khi triển khai những nội dung mới trong quá trình thực hiện Đề án. Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đồng thời coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của các tập thể, cá nhân.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan thường trực, tham mưu, giúp việc thực hiện Đề án 06. Các thành viên Tổ công tác và thành viên Tổ giúp việc Tổ công tác triển khai Đề án tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án cấp huyện; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã; Tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn, tổ dân phố phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo quyết liệt, nêu gương trong việc thực hiện Đề án và chuyển đổi số, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Đề án tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm”; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên khi đơn vị trực thuộc, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, hướng dẫn về triển khai Đề án.

3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở; đặc biệt là tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể các cấp. Thực hiện hiệu quả Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Đề án số 06; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là vai trò kiểm tra của Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án các cấp và giám đốc, thủ trưởng các sở ngành - thành viên Tổ công tác triển khai Đề án cấp tỉnh.

Đẩy mạnh công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định; tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung, trang bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh và ngành dọc. Trước mắt, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ triển khai các nhiệm vụ của Đề án, nhất là thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Các ngành liên quan chủ động xây dựng các mô hình phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chủ động công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Đề án của các ngành phải được kiểm tra, đánh giá, giám sát thường xuyên và thực hiện nâng cấp. Cán bộ làm công tác quản trị, vận hành hệ thống dữ liệu phải được quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, thủ tục. Củng cố, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, nhất là trình độ công nghệ thông tin; đồng thời bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án.

Về chỉ tiêu, phấn đấu cấp 860.000 tài khoản định danh điện tử trước ngày 21/6/2023; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 60% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến. Trong đó, đối với các nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án đảm bảo tiếp nhận 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến đối với các dịch vụ công, còn lại đạt 60% được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị lực lượng vũ trang ưu tiên thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp đối với các thủ tục hành chính có quy định về hình thức nộp trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.

106d2092720t4258l9 128d0120015t16990l0
Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho các tập thể công an xã, phường, thị trấn được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích thực hiện Đề án 06.

4. Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh phục vụ xác thực thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên mở các đợt cao điểm chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, giao chỉ tiêu cụ thể gắn với thường xuyên nhắc nhở, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong triển khai Đề án. Phối hợp cơ quan chức năng đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét biểu dương, khen thưởng; phê bình, xử lý theo quy định đối với các tập thể, cá nhân không thực hiện các quy định, hướng dẫn, không đạt chỉ tiêu đề ra.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, quán triệt thực hiện hiệu quả Đề án.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung Đề án và Chỉ thị này.

7. Các huyện, thành, thị ủy phối hợp Đảng ủy Công an tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí đối với các đơn vị trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã.

8. Tổ chức thực hiện:

Các cấp ủy, tổ chức đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Các đồng chí Trưởng các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra cơ sở phân công thành viên theo dõi, bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hiệu quả các nội dung trên.

Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nguồn tin: Thùy Như - Hà Anh - Baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

75
Vị trí cần tuyển
352
Ứng viên tìm việc
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay7,110
  • Tháng hiện tại17,623
  • Tổng lượt truy cập30,610,387

Sở lao động TB và XH Hà Tĩnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh
Địa chỉ: 156 - Trần Phú - TP. Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
ĐT: 02393.851.295 - 02393.853.505 -
02393.734.789
Email: sanvieclamhatinh@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây