Không đòi hỏi trình độ, không giới hạn độ tuổi, chỉ cần một chiếc xe máy, vài mũ bảo hiểm, áo mưa là có thể hành nghề xe ôm - một công việc khá đơn giản được nhiều người lựa chọn để mưu sinh.
Dù không còn đắt khách như thời hoàng kim, nhưng nhiều người vẫn bám trụ với nghề xe ôm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hơn thế, khi có 10 năm, 20 năm hành nghề, nói nghỉ để “chuyển việc” cũng không phải là điều dễ dàng. Bởi với nhiều người, ngoài thu nhập, đó còn là niềm vui…
Tập trung nhiều ở các điểm chờ xe buýt dọc Quốc lộ 1A, vài tốp ở bến xe và lác đác ở một số tuyến chính trong TP Hà Tĩnh, những người chạy xe ôm vẫn cố gắng bám trụ mỗi ngày dù hiểu rằng, đào thải là quy luật tất yếu của xã hội, cái cũ, chưa tốt sẽ dần nhường chỗ cho cái hiện đại hơn...
Vẫn nhớ như in thời điểm gia nhập “làng" xe ôm là vào đầu năm 1991, bác Nguyễn Văn Trung (Thạch Hạ – TP Hà Tĩnh) bồi hồi: “Trước đây, thu nhập của gia đình bác phụ thuộc vào những chuyến xe ôm. Dù không dư giả nhưng đủ để nuôi 6 miệng ăn và 4 người con đi học.
Thời đó, có những cuốc xe đi xa lên Hương Sơn, Hương Khê hay vào tận cả Kỳ Anh, thu nhập đều và khá hơn so với những công việc chân tay nặng nhọc. Thế mà, gần 10 năm trở lại đây, xe ôm không còn là lựa chọn số 1 của khách hàng nên thu nhập cũng giảm đi đáng kể”.
“Hiếm khi mình ngồi yên một chỗ mà khách đến lắm. Những tốp đón ở điểm xe buýt như các bác là phải quan sát kỹ để khi xe vừa dừng điểm là mời khách luôn.
Có những người khách già yếu, mình phải lên tận xe để đỡ họ xuống hoặc giúp họ xách đồ…” – bác Nguyễn Văn Hải (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) cho hay.
Ngày đông khách thì được tầm 200 - 250 nghìn, nhưng cũng có ngày chỉ được 50 - 70 nghìn vừa đủ tiền xăng. Thu nhập “khiêm tốn” lại bấp bênh, thất thường nhưng dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua TP Hà Tĩnh vẫn có khoảng 50 bác xe ôm thường xuyên túc trực.
Thắc mắc vì sao không chọn công việc khác, một bác tài thở dài: “Thu nhập chẳng dư dả bao nhiêu, có hôm chỉ đủ ăn, nên cũng đã nhiều người bỏ nghề. Dù vậy, một số người vẫn không thể bỏ vì gánh nặng gia đình, ít đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Hơn nữa, chúng tôi cũng luống tuổi rồi, làm sao đủ sức để làm những việc cần nhiều sức khỏe như phụ hồ, xích lô…”
Thế mà ngoài mưu sinh ra, những lúc không có khách, các bác xe ôm lại hỏi han, chuyện trò đủ thứ chuyện. “Nghĩ mà tội, trận bóng hôm qua Quang Hải ngã nhẹ nhẹ rứa mà bị rách cơ đùi, phải nghỉ hết giải SEA Games, báo mới viết đó các ông biết chưa?”; "Chuyện các ông bà già viết đơn ra khỏi hộ nghèo đó, không xin ra thì mỗi tháng cũng được thêm có hơn trăm nghìn tiền điện. Nếu mà ông, ông có viết đơn xin ra không?”… những câu chuyện cứ thế nối tiếp, đan xen nhau vừa xua đi cái lạnh đầu đông, vừa để giết thời gian trong thời điểm…“ế chợ”.
Những bác tài vẫn sẵn sàng nhường “cuốc” khi “đồng nghiệp” mãi chưa được “mở hàng”; vẫn lấy giá “hữu nghị” (một nửa tiền so với giá bình thường) cho những người ở quê xuống thành phố để vào bệnh viện chạy thận nhân tạo... Đổi lại, cũng có nhiều khách “bo” thêm tiền, nhiệt tình mời vào nhà ăn cơm, uống nước…
Chiếc xe buýt đang đến gần, các bác tài đã sẵn sàng tư thế để đón khách. “Xe ôm bác ơi! Chị ơi xe ôm…!” những câu mời chào quen thuộc của những người chạy xe ôm cứ vang lên hòa vào thứ âm thanh ồn ã của phố phường. Ở đó, gánh nặng mưu, tình người vẫn luôn chất chứa…
Nguồn tin: Thành Chung - http://baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn