Để cải thiện kinh tế gia đình, năm 2012, anh Nguyễn Quốc Việt (46 tuổi) ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà quyết định lựa chọn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Anh Nguyễn Quốc Việt ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà đã từng có gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Sau gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc trong ngành ngư nghiệp với thu nhập khá, anh Việt đã hoàn trả được số tiền vay mượn để có chi phí đi XKLĐ. Gia đình anh còn xây dựng được căn nhà trị giá hơn 500 triệu đồng và tích luỹ được một ít vốn.
Nhận thấy hiệu quả từ việc đi XKLĐ tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, vợ chồng anh Việt động viên 4 người con (3 con trai và con dâu) học tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc. Vượt qua kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, năm 2022 và năm 2023, lần lượt 3 người con trai của anh Việt đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS trong ngành ngư nghiệp. Đầu tháng 11/2024, người con dâu của anh Việt cũng đã xuất cảnh sang làm việc cho một doanh nghiệp tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành chế tạo.
Với mức lương cơ bản theo quy định của Bộ Lao động Hàn Quốc là 2 – 2,2 triệu Won (tương đương hơn 40 triệu đồng)/tháng, đó là chưa kể thu nhập từ làm thêm, tăng ca... hiện tại, mỗi tháng 3 người con của anh Việt gửi về gia đình gần 100 triệu đồng.
Từ nguồn vốn tích góp đi XKLĐ tại Hàn Quốc, gia đình anh Nguyễn Quốc Việt đã xây được ngôi nhà khang trang
Anh Nguyễn Quốc Việt chia sẻ: “So với làm công nhân ở nhà thì mức thu nhập bên Hàn Quốc cao hơn nhiều. Vì vậy, tôi luôn động viên, căn dặn các con tuân thủ pháp luật, quy định ở nước sở tại chăm chỉ làm việc dành dụm tiền làm vốn sau khi về nước xây nhà và đầu tư làm ăn”.
Trở về quê sau thời gian làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, anh Nguyễn Hữu Hựu (51 tuổi) ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở cửa hàng kinh doanh hải sản. Anh Hựu cho biết: “Trước đây tôi ở xã Thạch Hải. Sau khi về nước với số vốn tích góp được, tôi mua đất ở xã Thạch Hưng mở cửa hàng kinh doanh. Công việc kinh doanh của tôi tương đối thuận lợi và thu nhập ổn định từ 30-40 triệu đồng/tháng”.
Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về XKLĐ, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã từng bước "thay da đổi thịt”, đời sống của Nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao.
Từ nguồn thu nhập của các lao động đi XKLĐ đã gửi về góp phần làm thay đổi bộ mặt xã Thạch Hải.
Xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà là một trong những địa phương có số lượng lao động đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc theo Chương trình EPS khá cao, làm ngành ngư nghiệp là chủ yếu. Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng hơn 200 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: “Con em đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đã tạo chuyển biến tích cực cho đời sống các gia đình, gián tiếp thay đổi bộ mặt địa phương, đóng góp lớn vào sự phát triển KT-XH trên địa bàn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người hằng năm”.
Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc hấp dẫn người lao động
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng top đầu cả nước, bình quân mỗi năm có khoảng gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chương trình EPS là thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 6/2004, sau khi Luật Việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có hiệu lực.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh là đơn vị duy nhất tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc theo Chương trình EPS. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.200 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 600 lao động Hà Tĩnh xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc và gần 100 lao động có lịch học định hướng, làm thủ tục chuẩn bị xuất cảnh.
Hết hợp đồng, anh Trần Văn Dũng (đội mũ) tiếp tục lựa chọn thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS để sang làm việc. Ảnh nhân vật cung cấp
Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, năm 2018, anh Trần Văn Dũng ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã xuất cảnh sang làm việc tại thành phố Busan (Hàn Quốc) theo Chương trình EPS. Với khả năng sử dụng tiếng Hàn và kiến thức văn hóa bản địa khá tốt, anh Dũng hoà nhập, thích nghi nhanh ở môi trường làm việc tại nước sở tại.
Gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, kết thúc hợp đồng, anh Dũng trở về quê. Sau 3 tháng, anh Dũng tiếp tục tham gia kỳ thi kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực ngành ngư nghiệp và đã trúng tuyển. Cuối năm 2023, anh Dũng xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS lần thứ 2.
Chia sẻ về cuộc sống và môi trường làm việc tại Hàn Quốc, anh Trần Văn Dũng cho biết: "Tôi được tuyển dụng vào làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản với mức thu nhập bình quân quy ra tiền Việt khoảng trên dưới 40 triệu đồng/tháng, có tháng cao hơn. Tại đây, lao động nước ngoài đều được hưởng các chính sách, chế độ đãi ngộ giống lao động Hàn Quốc như: thưởng vào các ngày lễ, tết; chi trả phụ cấp ăn ca; được lưu trú miễn phí tại ký túc xá của doanh nghiệp…".
Lao động Hà Tĩnh đăng ký kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Xứ sở "kim chi” là nơi thu hút nhiều người lao động bởi các yếu tố: đây là nước phát triển nên có nhiều việc làm, được học hỏi, nâng cao tay nghề và cơ hội tuyển dụng lớn; mức lương mà người đi XKLĐ nhận được khá cao từ 40 - 60 triệu đồng/tháng tùy công việc, chi phí đi XKLĐ tại quốc gia này khá hợp lý so với các nước trong khu vực. Độ tuổi tuyển dụng của lao động đi làm việc theo Chương trình EPS từ 18 đến dưới 39 tuổi… Khi đạt đủ điều kiện để tham gia làm việc theo Chương trình EPS, người lao động sẽ được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như lao động Hàn Quốc”.
“Tuy nhiên, người lao động đi XKLĐ theo Chương trình EPS phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Sau khi đạt yêu cầu qua các vòng thi, người lao động sẽ tiến hành khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc”, bà Hương cho biết thêm.