Đưa hơn 11.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước - cho biết, năm 2023, thị trường lao động ngoài nước có những tín hiệu tích cực. Nhu cầu tiếp nhận lao động và nhu cầu của người lao động đều gia tăng, quan hệ hợp tác với các đối tác ngày càng được thúc đẩy, phát triển.
Thông tin về kết quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Hồng cho biết, năm 2023 đơn vị này đã đưa hơn 11.000 lao động đi làm việc tại các thị trường, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ảnh minh họa
Trong đó, Trung tâm đã hoàn thiện thủ tục và tổ chức xuất cảnh cho 10.900 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; đưa 530 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo tiếng Đức và xuất cảnh cho 26 người lao động xuất cảnh sang làm việc tại CHLB Đức; triển khai hoàn thiện hồ sơ và tổ chức xuất cảnh cho 27 lao động đi làm việc tại Đài Loan theo Chương trình tuyển mộ trực tiếp; phái cử được 7 thực tập sinh đi làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế tại Nhật Bản theo Chương trình hộ lý Osaka.
Điểm nhấn nữa được Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết đó là việc thúc đẩy đàm phán mở rộng ngành nghề, thị trường tiếp nhận lao động với các đối tác Hàn Quốc, CHLB Đức, Úc để mở rộng thị trường cho những năm tới.
Theo ông Hồng, việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận về việc phái cử và tiếp nhận lao động và thực tập sinh là cơ sở để đưa lao động, thực tập sinh đi làm việc, thực tập kỹ thuật tại các nước trong những năm tiếp theo, tạo cơ hội việc làm tốt thu nhập cao cho nhiều người lao động.
Tuy nhiên, việc đáp ứng đủ ứng viên cho một số chương trình vẫn gặp nhiều thách thức. Mặc dù các chương trình đều có nhiều ưu việt, nhưng do điều kiện, tiêu chuẩn cao, tỷ lệ trúng tuyển thấp, mức lương chưa hấp dẫn, ứng viên phải tham gia các khóa đào tạo khá dài... nên số lượng ứng viên tham gia còn hạn chế.
Hàn Quốc rộng cửa với lao động Việt Nam
Về nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước nhấn mạnh, việc triển khai tuyển chọn, tiếp nhận lao động theo hình thức phi lợi nhuận, chi phí thấp sẽ tiếp tục được quan tâm.
"Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức tiếp tục gia tăng. Năm 2024, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 165.000 người lao động nước ngoài, người lao động sẽ có cơ hội sang Hàn làm việc với chi phí thấp, nhận mức lương cao như người bản địa", ông Hồng thông tin.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như trình Bộ Bản ghi nhớ với Tổ chức IM Japan về việc phái cử và tiếp nhận lao động đặc định; thí điểm tuyển chọn lao động cho Chương trình Osaka theo hình thức đặt hàng đào tạo nghề với một số trường có ngành điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, song song với đào tạo tiếng Nhật.
Năm 2024, Trung tâm sẽ phối hợp với cơ quan liên quan của Hàn Quốc tổ chức tốt các kỳ thi tiếng Hàn và tay nghề, các kỳ tiếp nhận hồ sơ và tổ chức tuyển chọn các chương trình, hoàn thiện thủ tục và tổ chức cho người lao động xuất cảnh; gia tăng số lượng lao động có tay nghề.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với người lao động đang làm việc tại nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tuyển dụng, phát triển mạng lưới người lao động về nước lập nghiệp thành công; mở rộng hoạt động hỗ trợ, giới thiệu việc làm hiệu quả.