Ác mộng khó quên
Sau nhiều năm trở về quê sinh sống, cứ mỗi lần nhắc tới quãng thời gian ở xứ người, anh Đ.V.T ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) lại xót xa: “Đã qua mấy năm rồi, nghĩ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình. Nếu biết sang đó khổ cực thế, tôi ở nhà cho xong. Giờ có cho cả tiền tỷ tôi cũng không đi theo con đường đã đi trước đây”.
Năm 2003, anh Đ.V.T bàn với vợ bỏ ra hơn 5.000 USD cho những người môi giới để được đưa sang Đức kiếm tiền. Hành trình sang trời Tây của anh là tấm visa du lịch với thời hạn 3 tháng sang Nga. Theo kế hoạch, khi anh sang Nga, người môi giới sẽ tiếp tục đưa anh sang Đức.
Xuống sân bay ở Nga, anh được một người Việt đón lên ôtô, chở về một nhà kho bỏ hoang cùng với rất nhiều người có ý định nhập cư bất hợp pháp vào Đức. Để từ Nga sang Đức là cả một thời gian dài sống trong địa ngục bởi anh phải trải qua 8 tháng đi bộ đường rừng núi, vượt qua nhiều nước. Hành trình kéo dài, cứ đêm đi ngày lại bị nhốt ở trong nhà kho, lán trại dọc đường.
“Đoàn người được chia thành nhóm nhỏ 7-10 người và người đi không biết mình đang ở đâu, đi tới đâu. Lúc đi luôn có 1 người cưỡi ngựa phía trước dẫn đường, 1 người phía sau chốt đoàn. Những ai sức khỏe yếu, đi bộ không kịp sẽ bị người đi ngựa phía sau dùng roi đánh đập thậm tệ”, anh Đ.V.T nhớ lại.
Sau khi di chuyển đến Ukraine, anh tiếp tục di chuyển sang Ba Lan. Tuy nhiên, khi vượt biên sang đến Ba Lan thì anh Đ.V.T bị bắt và bị trục xuất trở lại Ukraina. Tại Ukraina, anh bị phạt tù 3,5 tháng vì tội vượt biên trái phép. Hết thời hạn giam giữ, những người môi giới lại tiếp tục đưa anh sang Đức vào cuối năm 2004.
Làm việc ở Đức đến năm 2008, sau khi lăn lộn kiếm tiền đủ để trả hết nợ ở quê nhà và dành được một số vốn kha khá, anh Đ.V.T quyết định “nhảy” sang một chân trời mới vì nghe một số người bạn đang làm việc tại Anh nói ở “xứ sở sương mù” thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Anh liên hệ với đường dây đưa người sang Anh làm ăn.
Để sang Anh có 2 cách vượt eo biển Manche. Cách “VIP” là thuê người dẫn đi. Họ sẽ soi hàng hóa trong container nào đi Anh rồi khi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Còn cách “cỏ” là tự mình chạy theo các xe tải phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong. Cách “VIP” thì tốn kém hơn nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm.
“Tôi quyết định bỏ ra 8.000 USD để vượt biên từ Đức sang Anh. Tuy nhiên, khi qua được Anh, tài xế phát hiện có người nhập cư bất hợp pháp đã chở đến trụ sở cảnh sát để giao nộp. Ngay sau đó, tôi bị cảnh sát Anh bàn giao cho Đức và sau đó tôi bị trục xuất về nước”, anh Đ.V.T cho biết.
Bỏ mạng nơi xứ người
Đến gia đình có người thân tử nạn khi đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi tấm hình thờ sau làn khói hương. Ngày 20/5/1916, khi đang làm thuê ở tỉnh Đồng Nai, chị Phan Thị Hiếu - vợ anh Nguyễn Trọng Đức (SN 1974) ở thôn Phượng Sơn, xã Trường Lộc (Can Lộc) bàng hoàng nghe tin dữ: Chồng và chị dâu là Trần Thị Thu Hường (SN 1979) bị cướp sát hại tại nước Cộng hòa Angola.
Theo chị Phan Thị Hiếu - vợ anh Nguyễn Trọng Đức, do cuộc sống khó khăn nên trước đó, 2 vợ chồng chị phải vào miền Nam làm ăn. Chị và con gái học lớp 6 vẫn đang thuê nhà trọ ở Đồng Nai để ở.
Năm 2016, anh Đức bàn với vợ vay tiền đi lao động “chui” tại Angola với mong muốn cuộc sống bớt khổ. Sang Angola làm việc, bao nhiêu tiền dành dụm được, anh Đức đều gửi về cho vợ trả nợ.
Cuối năm 2017, thấy làm ăn được, anh Đức bàn chị dâu sang làm việc tại Angola kiếm tiền về nuôi con. Chị Hường gửi hai con nhỏ về cho ông bà ngoại ở xã Song Lộc nhờ chăm sóc để đi. Theo chị Hiếu, chị Hường mới sang Angola làm việc được 2 tháng thì nhận tin chồng là anh Nguyễn Trọng Tuấn ở nhà mất do vết thương tái phát. Anh Tuấn cũng từng làm việc tại Angola. Năm 2011, do bị cướp ở Angola tấn công dẫn đến tàn phế nên anh trở về quê sinh sống. Bố mất, mẹ bị cướp sát hại nơi xứ người, hai đứa con chị Hương thành trẻ mồ côi.
Không chỉ anh Đức và chị Hường mà từ trước đến nay đã có nhiều người phải bỏ mạng ở “miền đất hứa” Angola.
Nguồn tin: Theo Minh Giang - baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn