Khai giảng các lớp học nghề cho học viên Hưởng bảo hiểm thất nghiệp khóa I - năm 2022
Thứ tư - 16/02/2022 21:38
Ngày 16 tháng 02 năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh phối hợp với Các Cơ sở dạy nghề tổ chức khai giảng các lớp dạy nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Khai giảng các lớp học nghề lần thứ nhất năm 2022 bao gồm các nghề như: May Công nghiệp, Làm đẹp, kỹ thuật nấu ăn, Lái máy công trình, Lái xe ô tô hàng B2, C,… với số lượng 55 học viên, thời gian học từ 3 tháng đến 6 tháng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sắp xếp thời gian phù hợp để tham gia các lớp nghề, các Cơ sở đào tạo đã bố trí thời gian học phù hợp với học viên. Phát biểu tại Lễ khai giảng, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh nhấn mạnh, đào tạo nghề cho người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp mang ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế, xã hội bởi đó là một nội dung quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cũng bảo đảm yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động sau khi kết thúc các khóa học nghề. Theo nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Thời điểm bắt đầu học nghề của người lao động là thời điểm sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với trường hợp không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không quá 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc mở các lớp dạy nghề cho lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, góp phần chuyển đổi nghề cho người lao động, đồng thời phát triển kinh tế địa phương. Đó cũng là tiền đề quan trọng để các cơ sở dạy nghề tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.