Việt Nam hỗ trợ bằng tiền mặt và qua chính sách tài khóa
Trước ý kiến của ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam về câu chuyện Việt Nam "chưa tiêu nhiều tiền mặt" tại chuyên đề thảo luận thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngày 18/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội thì cần nhìn trong tổng thể các chính sách Việt Nam ban hành, thực hiện từ năm 2020 và những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cuối năm 2021 (thực hiện cho năm 2022).
Chủ tịch Quốc hội nêu số liệu, khi sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Việt Nam chi tới 38.000 tỷ đồng bằng tiền mặt, sau đó tiếp tục chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết 43). Số tiền này chưa kể phần chi lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng trong bối cảnh ngân sách không dồi dào, thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp người dân nào cũng được thụ hưởng, số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn, lại được thực thi nhanh.
"Chính sách này đã giảm thu ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Vậy đây có phải chi tiền trực tiếp không?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Chính sách còn có tác động kép, góp phần giúp lạm phát ở Việt Nam thời gian qua giữ được ở mức thấp.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thêm, thực tế, tổng các khoản chi hỗ trợ bằng tiền mặt của nước ta cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 86.000 tỷ đồng, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 56 triệu lượt người lao động.
"Đây là mức chi không phải là ít so với các nước trên thế giới. Ngoài các khoản chi hỗ trợ trực tiếp, Việt Nam còn có chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm thuế", ông Lê Văn Thanh nói.
"Một bộ phận lao động đi đâu?"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn nêu thực tế tại nhiều nước, sau dịch Covid-19, số người tham gia vào thị trường lao động thấp. Ở Việt Nam, số người phản ánh thất nghiệp không nhiều, nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ.
"Phải chăng có một bộ phận người lao động đang khu trú ở đâu đó sau dịch Covid -19? Dường như có một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trên thế giới, xu hướng này ra sao?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và gợi ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu vấn đề này.
Trước vấn đề người lao động chưa quay trở lại làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng, xu hướng để có chính sách, để tới đây huy động người lao động trở lại làm việc. "Bộ phận lao động này từng tham gia thị trường, có kinh nghiệm, kỹ năng, được đào tạo, cần thu hút quay trở lại", ông nói.
Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc, ông Jonathan Pincus cho rằng có thể là do sức khỏe của họ suy giảm sau đại dịch. Thống kê cho thấy 10% người bị nhiễm Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, nhất là với người lớn tuổi, cần nhiều thời gian để hồi phục.
Ngoài ra, ông chỉ ra có thể do lao động di cư không trở lại nơi làm việc sau khi hết dịch. Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thay thế nhiều công việc mà con người trước đây đảm nhiệm... và đặc thù ở mỗi quốc gia lại khác nhau.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu quan điểm, hiện còn lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc, hoặc không muốn quay lại vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác do thu nhập cao hơn...
"Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động, tạo điều kiện thuận lợi giúp tìm việc thông qua internet...", ông Lê Văn Thanh nói.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn