Nhiệt độ những ngày này ở Hà Tĩnh có lúc lên đến 40 độ C, không khí oi bức và bỏng rát. Khu nhà xưởng của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) có hơn 350 công nhân đang làm việc. Lượng hàng hóa, nguyên liệu, máy móc nhiều khiến cho không gian nhà xưởng càng thêm chật hẹp.
Để giúp công nhân có không gian làm việc mát mẻ, dễ chịu, hàng chục dàn lạnh, quạt hút bụi đã phải hoạt động hết công suất. Nhờ đó, khi công nhân bắt đầu ca làm việc thì khuôn viên nhà xưởng đã được làm mát và duy trì đến tận tối muộn.
“Việc duy trì hệ thống làm mát này khiến chi phí tiền điện của công ty tăng khá nhiều, nhưng để đảm bảo sức khỏe, môi trường làm việc cho công nhân, công ty vẫn cho hoạt động thường xuyên” - Chủ tịch Công đoàn công ty Hồ Văn Cát cho biết.
Những ngày nắng nóng, lượng điện tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh liên tục lập kỷ lục. Cùng với đó, nguồn điện phục vụ cho các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, công tác phòng chống dịch bệnh cũng tiêu tốn rất nhiều điện năng.
Điều này kéo theo nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn khiến công nhân ngành điện phải căng mình trên lưới điện, việc trang bị các biện pháp chống nóng càng được doanh nghiệp quan tâm.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Long cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc trên lưới, công ty đã trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, trao tặng thêm 300 vành mũ chống nắng; khuyến khích công nhân thay đổi giờ làm việc phù hợp để tránh nắng và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch, an toàn lao động trong quá trình làm việc”.
Công đoàn công ty cũng đề nghị các bộ phận lưu ý những người có tiền sử tim mạch, huyết áp thì sẽ không bố trí làm việc quá nhiều dưới trời nắng nóng để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, công ty trích 250 triệu đồng từ quỹ phúc lợi bồi dưỡng thêm cho công nhân; cán bộ công đoàn trực tiếp xuống tận nơi làm việc trao tặng sữa tươi, nước giải nhiệt và động viên anh chị em công nhân vượt qua thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo an toàn, cấp điện ổn định.
Cùng với công nhân ngành điện thì công nhân môi trường đô thị là những người phải làm việc thường xuyên ngoài trời. Từ đầu tháng 6 đến nay, khi Hà Tĩnh liên tục ghi nhận các ca dương tính Covid-19, số lượng công nhân giảm mạnh do một số nằm trong vùng bị phong tỏa, một số là F1, F2, khiến cho khối lượng công việc càng lớn.
Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh Nguyễn Duy Bằng cho biết: “Nhân lực ít, công việc nhiều, thời tiết khắc nghiệt khiến công nhân rất dễ mệt mỏi. Công ty đã chỉ đạo các bộ phận bố trí thời gian làm việc nhiều về sáng sớm, ban đêm. Chúng tôi bố trí một số cán bộ mang nước giải khát, thức ăn nhẹ đến từng điểm làm việc cho công nhân để vừa đảm bảo phòng dịch, vừa hỗ trợ công nhân những ngày nắng nóng”.
Thu gom rác tại điểm tập kết trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) chị Lê Thị Hà - công nhân Chi nhánh Vệ sinh môi trường cho biết: “Tôi thường làm ca từ 15h, nhưng những ngày nắng nóng như mấy hôm nay thì gần 17h chúng tôi mới bắt đầu. Làm đêm muộn tí nhưng tránh được cái nắng thiêu đốt của ban ngày”.
Bên cạnh lắp đặt các thiết bị chống nóng, trang bị bảo hộ lao động, linh hoạt trong bố trí giờ làm việc thì các doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến chế độ dinh dưỡng bữa ăn ca của công nhân trong những ngày nắng nóng.
Công ty TNHH MCC Việt Nam (KKT Vũng Áng) có gần 500 công nhân, phần lớn trong số đó ăn trưa tại công ty. Những ngày gần đây, thực đơn được nhà bếp thay đổi thường xuyên, chú trọng những món ăn mát, dễ ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo yếu tố phòng dịch, công ty cũng đã bố trí vách ngăn tại các bàn ăn, nhắc nhở công nhân giữ khoảng cách, hạn chế trò chuyện trong bữa ăn.
Mặc dù việc triển khai các biện pháp chống nóng tại khu sản xuất, nơi ở, nơi làm việc của công nhân sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng, tuy nhiên, đó là điều cấp thiết mà các doanh nghiệp nên làm để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn